Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Để không “thả gà ra đuổi”

- Qua khảo sát, tỷ lệ bình quân học sinh sử dụng điện thoại ở các trường THPT lên đến 85%. Từ đây, nhiều vấn đề phát sinh từ chính điện thoại, khiến nhiều trường học tại các thành phố lớn đã buộc phải ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, bắt đầu từ năm học 2024-2025.

Không phủ nhận lợi ích mà điện thoại di động mang lại. Nhưng nếu so với hệ luỵ, thì hiệu quả này đang mất cân bằng.

Điều này phần nào bắt nguồn từ chính những quy định không đồng nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn nhớ, theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 trước đây, hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học". Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Thế nhưng Điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT lại quy định, cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Nghĩa là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh và một số chuyên gia về việc sử dụng điện thoại có thể gây mất tập trung trong giờ học, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm ấy cho rằng, trong một giờ học ở lớp thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, nhiều trường học đã nhận thấy bất cập từ quy định này. Việc chìm đắm vào điện thoại di động, mà nhiều nhất là các nền tảng mạng xã hội đang khiến các nhà làm giáo dục lo ngại giới trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến sức khoẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy và tri thức, ảnh hưởng xấu đến quan hệ xã hội và tạo ra một thế hệ làm dụng công nghệ.

Ngay tại tỉnh Tuyên Quang, nhiều giáo viên cũng đã than phiền về việc này, khi các nhóm Zalo thông tin tình hình của giáo viên với phụ huynh học sinh liên tục nhắc nhở, điểm danh nhiều học sinh trong giờ không chú ý lên bảng, mà chỉ cắm cúi ngăn bàn vì… không dứt được điện thoại di động.

Không chỉ trong lớp học, hình ảnh học sinh vừa đi xe đạp điện, vừa lướt điện thoại cũng không hiếm gặp.

Còn nhớ, thế hệ chúng tôi, giờ ra chơi, cả sân trường rộn tiếng cười đùa. Cánh con trai nhễ nhại mồ hôi với bóng đá, đá cầu. Nhóm con gái ríu rít chia sẻ bí quyết học tập, chuyện trò riêng tư. Nhưng giờ, nhiều giáo viên than phiền, sân trường giờ ra chơi chỉ lác đác học trò, khi ai cũng tranh thủ mười lăm phút nghỉ ngơi để cập nhật thông tin từ điện thoại.

Đã từng có so sánh, thế hệ GenZ là một thế hệ cúi đầu – khi thế giới của họ không thoát ly được thế giới dăm bảy inch trước mặt.

Trong phát biểu nhân dịp tổng kết năm học 2023-2024, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan từng nêu lên thực tế: "Học sinh đang đắm mình trong công nghệ, ăn công nghệ, ngủ công nghệ, chơi công nghệ và sinh ra bằng công nghệ".

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng các quốc gia nên cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên không gian mạng.

Đầu năm học 2024-2025, một số trường tại TP Hồ Chí Minh quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học hoặc giờ ra chơi. Nhìn rộng ra ở các nước trên thế giới, nhiều quốc gia đã "tuyên chiến" mạnh mẽ với việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học ngay dịp đầu năm học mới 2024-2025 như Anh, Hi Lạp, Bỉ, Hungary, Đan Mạch và quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến các quốc gia đưa ra lệnh cấm này, là để học sinh có nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ với nhau hơn. Từ đó hạn chế được những hệ luỵ xấu như bắt nạt qua mạng, phụ thuộc vào công nghệ và tệ hơn, trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game.

Tại Việt Nam, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động, nhận được nhiều sự đồng tình của người dân. Theo thăm dò của Báo Tuổi Trẻ trong tháng 9-2024, có 74,2% bạn đọc biểu quyết: "Nên cấm tuyệt đối", 25,8% bạn đọc ý kiến "cấm một phần".

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần rất nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Một trong số đó là việc đầu tư công nghệ đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu của học sinh; chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thể dục thể thao giờ ra chơi để thu hút học sinh tham gia.

Và quan trọng hơn, để việc cấm sử dụng điện thoại ở trường thực hiện có hiệu quả, phải bắt đầu ngay từ gia đình. Nếu nhà trường nghiêm ngặt, nhưng gia đình buông lỏng, thì quy định này chẳng khác gì “thả gà ra đuổi”.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục